Cuối tháng 1, hoa tớ dày (đào rừng) nhuộm hồng sườn núi Yên Bái, hoa cải nở vàng chân đồi Sơn La.
Tớ dày là loại cây thân gỗ, mọc nhiều ở một số xã thuộc huyện Mù Cang Chải, Yên Bái như La Pán Tẩn, Nậm Khắt, Lao Chải, Púng Luông. Đây là hoa rừng, thuộc họ hoa đào, mọc và nở ở độ cao trên 1.000 m. Người H’Mông ở Mù Cang Chải thường gọi là “pằng tớ dày” (hoa đào rừng), là một trong những loài hoa đặc trưng của vùng núi Tây Bắc, theo Tổng cục Du lịch.
Đào rừng thường nở tháng 12 nhưng năm nay muộn nên hiện mới bắt đầu rực rỡ. “Hoa không rộ, ồ ạt như mọi năm mà chỗ nhiều chỗ ít. Hiện tại, La Pán Tẩn (Yên Bái) là một trong những nơi hoa tớ dày nở đẹp nhất”, A Làng, hướng dẫn viên bản địa sống tại La Pán Tẩn, cho hay.
Nhận được thông tin từ A Làng, vợ chồng Nguyễn Anh Chiêm, 42 tuổi và Quỳnh Đỗ, 40 tuổi, ở Hà Nội, tranh thủ những ngày nghỉ Tết lên đường. Họ đi cùng vợ chồng người chị gái. Bốn du khách đi xe 16 chỗ, bắt đầu cho hành trình 3 ngày 2 đêm “săn” các loại hoa đặc trưng: đào rừng, cải, mận cũng như chụp ảnh với vườn cam, hồng tại Yên Bái – Sơn La.
Cả nhóm đi xe 16 chỗ vì muốn đủ không gian chứa lều cắm trại, dụng cụ nấu nướng cho chuyến phượt. “Trong xe có cả tủ lạnh nhỏ, thuận tiện tích trữ đồ ăn và nấu khi cắm trại”. Họ đã có kinh nghiệm đi phượt theo hình thức này hơn 10 năm.
Nhóm anh Chiêm khởi hành từ trưa mùng 3 Tết (24/1), đến La Pán Tẩn lúc 18h. Họ cắm trại qua đêm để sáng hôm sau lên đồi ngắm hoa. Ngọn đồi có hoa tớ dày mà anh Chiêm chọn gần trụ sở của Ủy ban Nhân dân xã. Chân đồi nằm ngay đường quốc lộ. Để lên chỗ ngắm hoa, phải chia thành hai lần di chuyển: đi ôtô lên sườn đồi và gửi xe tại sân của Ủy ban. Từ đây, nhóm thuê xe máy đi lên tiếp. “Đường dốc nên không thể lái ôtô. Chúng tôi thuê người địa phương chở với giá 150.000 đồng một người khứ hồi. Giá vào vườn để chụp ảnh là 10.000 đồng”, chị Quỳnh nói.
Với kinh nghiệm lái xe lâu năm, chuyên đường đèo, anh Chiêm lưu ý: “Nếu đi xe số, tài xế phải cẩn thận vì dễ bị tuột dốc khi tránh xe ngược chiều. Xe tự động nhàn hơn nhưng vẫn cần chú ý. Nhiều đoạn hẹp, nếu hai xe tránh nhau thì một xe phải lùi sát rìa đường, bên dưới là vực sâu”, anh Chiêm nói. Để tránh nguy hiểm, anh chọn khung giờ đi vắng vẻ. Nếu thấy ôtô đi ngược chiều từ xa, anh chủ động nép vào những đường rộng để an toàn, đợi xe đi qua mới tiếp tục hành trình.
Theo quan sát của nam du khách, ngày mùng 4 Tết lại vào sáng sớm nên lượng khách đến chụp ảnh không đông. Chỉ khoảng 20 người trên cả quả đồi rộng. Lúc anh chụp xong và xuống, du khách mới bắt đầu lên. “A Làng nói chúng tôi may mắn vì hôm đó ít khách. Sau đó, lượng khách từ các tỉnh đổ về đông gấp 3-4 lần”, anh Chiêm nói.
Chiều mùng 4, nhóm đến Mộc Châu, Sơn La. Đường đi xấu, do một số đoạn đang làm đường và có một điểm sạt lở, nên thời gian di chuyển mất 6 tiếng. “Thời điểm tôi đi đang là Tết nên gặp gặp nhiều người địa phương tổ chức các hoạt động vui chơi hai bên đường. Họ chơi đá bóng, ném gòn, hát. Chặng Yên Bái – Sơn La, tôi gặp tới 4 lễ hội như thế, nhìn rất vui mắt”, anh Chiêm nói.
Điểm đến của họ tại Sơn La là vườn cam Thanh Bình, gần đồi chè trái tim. Vườn rộng 5 ha, trồng nhiều loại cây như cam canh, hồng, mận và cải. Thời điểm nhóm đến, vườn vẫn còn hồng, cam đang đến vụ, hoa mận và cải nở rộ. Giá vé là 20.000 đồng một người. Họ cắm trại và ăn uống tại chỗ để sáng mùng 5 Tết kịp chụp ảnh.
“Vườn này mới trồng được 2-3 năm, chuyên phục vụ du khách nên có nhiều loại cây để chụp ảnh. Tuy nhiên, mận trong vườn mới trồng được vài năm, tán cây chưa cao dù hoa nở nhiều. Chụp gần thì đẹp, nhưng nếu chụp từ xa, bao quát toàn cảnh thì tôi chưa ưng ý lắm”, anh Chiêm nói.
Cam canh được bán tại vườn với giá 50.000 đồng một kg, hồng không bán để phục vụ khách chụp ảnh do còn ít. Chủ vườn cho biết số lượng quả hiện nay chỉ bằng 50% so với đầu tháng 12. Lý do là chim ăn, và khách đi du lịch cũng thường xuyên vào vườn hái.
Theo đánh giá của anh Chiêm, các điểm du lịch ở Mộc Châu như đồi chè, vườn cam, năm nay đều kín khách du lịch. Vườn cam anh đến chụp ảnh có khoảng 100 người cùng tới một lúc. Xe con, 29 chỗ và cả 45 chỗ đỗ kín vườn, dọc đường, chủ yếu toàn biển Hà Nội và Hải Phòng.
Anh Chiêm cũng lưu ý thêm mọi người không nên đi thác Nàng Tiên dù ngay gần đó vì mùa này khô nên không có nước. “Đến cũng không có gì để chơi hay ngắm”, anh nói.
Nam du khách Hà Nội chia sẻ vì có đam mê đi phượt, yêu thích các điểm đến thiên nhiên nên đến Tây Bắc vào các mùa hoa luôn là lựa chọn hàng đầu của hai vợ chồng mỗi năm. “Nếu đi nhiều, bạn sẽ bị nghiện vẻ đẹp của núi rừng hoang sơ, rộng lớn và trong lành này”, anh nói.
Phương Anh
Ảnh: Nguyễn Anh Chiêm
nguồn: Báo Vnexpress